Người phụ nữ được "hôn" nhiều nhất thế giới, cứu bao người nhưng mãi là bí ẩn của y học
Từ cô gái bí ẩn chết đuối trên sông Seine
Vào cuối những năm 1880, cảnh sát Paris đã tìm thấy thi thể của một cô gái vô danh bị chết đuối ở sông Seine. Thi thể cô sau đó đã được gửi tới nhà xác để đợi người thân đến nhận thi thể và cung cấp danh tính của cô gái trẻ.
Tuy nhiên sau bao nhiêu ngày cũng không có ai đến nhận. Trong thời gian đó, gương mặt xinh đẹp một cách kỳ lạ của cô gái trẻ đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu bệnh học từ nhà xác. Dù đã chết nhưng vẻ mặt của cô gái rất thanh thản, đôi mắt nhắm nghiền, khóe môi hơi mỉm cười, điều đó đã khiến các nhà nghiên cứu quyết định tạo một khuôn thạch cao từ khuôn mặt của cô.
Sau đó cô được mọi người biết đến với tên gọi là L'Inconnue de la Seine (người phụ nữ vô danh của Seine), hay đơn giản là Inconnue. Không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp, bí ẩn xung quanh cô gái này đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ liên tục tái tạo hình ảnh của cô hết lần này đến lần khác và sáng tác đủ câu chuyện xung quanh cô. Triết gia Albert Camus nhìn thấy hình ảnh nàng Mona Lisa đằng sau nụ cười ôn hòa của cô trong khi những người khác gọi cô là Ophelia hiện đại và cố gắng tìm ra lý do tại sao một cô gái trẻ xinh đẹp bị chết đuối trên sông.
Mặt nạ gương mặt của cô gái xinh đẹp bí ẩn được bán đại trà ở Paris như trang trí nhà cửa, hình ảnh của cô còn được thể hiện bởi nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc. Cô thậm chí còn trở thành một nữ anh hùng trong nhiều tiểu thuyết, thơ và truyện ngắn. Họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng Pablo Picasso, nhà thơ Rainer Maria Rilke, nhà văn Vladimir Nabokov và nhiều nghệ sĩ tài năng khác đã bị mê hoặc bởi sự quyến rũ và bí ẩn của người phụ nữ trẻ này.
Đến gương mặt được hôn nhiều nhất thế giới, giúp cứu sống triệu người
Tuy nhiên, câu chuyện về Inconnue chỉ thực sự bước sang một bước mới nhờ Asmund Laerdal, nhà sản xuất đồ chơi thành công đến từ Na Uy. Năm 1955, Laerdal đã cứu con trai mình khỏi chết đuối dưới sông bằng cách thực hiện hồi sức tim phổi (CPR). Từ sự kiện tình cờ này, Laerdal nhận ra tầm quan trọng của việc thực hiện sơ cứu người đuối nước.
Do đó, ngay khi Laerdal được một nhóm bác sĩ đề nghị làm một búp bê có kích thước như người thật để đào tạo mọi người cách thực hiện CPR - một kỹ thuật sơ cứu còn mới hồi đó, ông lập tức đồng ý. Ông đã phóng to con búp bê đồ chơi Anne nổi tiếng của mình lên, có thể đàn hồi để thực hành ép lồng ngực và miệng có thể mở ra mô phỏng quá trình hà hơi thổi ngạt.
Tuy nhiên khi làm đến khuôn mặt, Laerdal đã nhớ đến chiếc mặt nạ từng nhìn thấy tại nhà của ông bà mình, đó chính là mặt nạ của cô gái vô danh đến từ sông Seine. Vì vậy, ông đã quyết định chọn khuôn mặt của cô gái vô danh nổi tiếng tại Paris làm khuôn mặt cho búp bê. Từ đó, Inconnue trở thành Resusci Anne còn được gọi là Rescue Anne, CPR Annie.
Hiện tại có nhiều loại búp bê CPR khác nhau, nhưng Resusci Anne vẫn là một trong những loại phổ biến nhất. Kể từ những năm 1960, người giả CPR đã giúp đào tạo hơn 300 triệu người thực hiện hồi sức tim phổi và nhờ đó họ đã giúp cứu được vô số người.
Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết Inconnue thực sự là ai. Tuy nhiên, cô ấy sẽ luôn mỉm cười với chúng ta từ những bức tranh và tác phẩm điêu khắc và điều quan trọng hơn, là mọi người sẽ tiếp tục trao cho cô ấy những nụ hôn trong khi học cách cứu sống người khác.
Kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR) có công dụng gì?
Hồi sức tim phổi là một kỹ thuật cứu sinh hữu ích trong nhiều tình huống cấp cứu, bao gồm đau tim hoặc đuối nước, trong đó nạn nhân bị ngừng thở hoặc ngừng tim.
Khi tim ngừng đập, tình trạng thiếu máu có oxy trong vòng vài phút có thể gây tổn thương não không hồi phục. Tử vong sẽ xảy ra trong vòng 8 – 10 phút. Thời gian là rất cấp bách khi bạn phải giúp một người đang bất tỉnh và bị ngừng thở.
Hồi sức tim phổi bao gồm hà hơi thổi ngạt miệng-miệng và bóp tim ngoài lồng ngực để giữ cho máu có oxy đến được não và các cơ quan trọng yếu khác cho đến khi việc điều trị chính qui hơn có thể phục hồi nhịp tim bình thường.
Không có nhận xét nào: